top of page

BỆNH MENIERE: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Đã cập nhật: 10 thg 10, 2023

Bệnh Meniere là gì?

Bệnh Meniere là một chứng rối loạn ở tai trong với triệu chứng kinh điển gồm chóng mặt, ù tai và giảm thính lực. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như choáng váng hoặc cảm giác đầy nặng tai

Bệnh xuất hiện ở mọi độ tuổi, đỉnh cao ở 40 – 60 tuổi. Thông thường chỉ có một tai bị ảnh hưởng, nhưng có tới 50% người mắc bệnh có thể phát triển tình trạng này ở cả hai tai.

Hình ảnh Bệnh Meniere
Hình ảnh Bệnh Meniere

Các triệu chứng của bệnh Meniere bao gồm :

Chóng mặt: là cảm giác quay cuồng, có thể do người bệnh thấy mình đang xoay hoặc mọi vật xung quanh đang xoay. Các cơn chóng mặt có thể xuất hiện đột ngột, kéo dài từ 20 phút cho đến 12 tiếng nhưng thường không quá 24 tiếng. Khi chóng mặt nặng còn có thể gây nôn mửa. Khi Hội chứng Meniere tiến triển, chóng mặt có thể ít nghiêm trọng hơn; tuy nhiên, sau mỗi đợt tấn công của Meniere, cơ quan tiền đình dần dần bị tổn thương cho đến khi mất chức năng hoàn toàn.

Giảm thính lực: Suy giảm thính lực có thể đến rồi đi cùng lúc với các đợt tấn công của bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ quan thính lực cũng dần dần bị tổn thương và người bệnh có thể bị nghe kém vĩnh viễn.

Ù tai: ù tai là âm thanh chỉ có người bệnh nghe được. thường được mô tả là nghe như tiếng ve kêu, tiếng sáo, hoặc tiếng gió bên tai…

Cảm giác đầy tai: Những người mắc bệnh Meniere thường có cảm giác đầy tai do áp lực trong tai


Nguyên nhân gây bệnh Meniere

Bệnh Meniere xảy ra do sự tích tụ một lượng lớn dịch cơ thể trong hệ thống mê nhĩ của tai trong. Mê nhĩ chứa các cơ quan giữ thăng bằng (các ống bán khuyên và hệ thống soan – cầu nang) và thính giác (ốc tai). Mê nhĩ có hai phần: mê cung xương và mê cung màng.

Mê đạo màng chứa đầy một chất lỏng gọi là nội dịch, sự chuyển động dạng sóng của nội dịch trong hệ thống mê nhĩ giúp đảm bảo được chức năng cân bằng của hệ thống tiền đình.

Trong bệnh Meniere, sự tích tụ nội dịch quá mức trong mê nhĩ cản trở sự cân bằng bình thường và các tín hiệu nghe giữa tai trong và não. Sự bất thường này được xem là cơ chế sinh bệnh chính trong bệnh Meniere.

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân được đặt ra để giải thích cho hiện tượng ứ dịch trong mê nhĩ này. Các nguyên nhân đó có thể gồm:

  • Đường dẫn của nội dịch không hiệu quả, có thể do tắc nghẽn hoặc bất thường giải phẫu.

  • Bệnh tự miễn : (tên tiếng anh – Autoimmune Disease) là những bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài.

  • Nhiễm trùng tai

  • Di truyền

Các phương pháp chẩn đoán bệnh Meniere

Bệnh Meniere thường được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ tai mũi họng. Tuy nhiên, không có xét nghiệm xác định hoặc triệu chứng duy nhất mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán. Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và sự hiện diện của các triệu chứng người bệnh gặp phải, chẳng hạn như:

  • Có từ hai hoặc có nhiều đợt chóng mặt. Mỗi đợt chóng mặt kéo dài ít nhất khoảng 20 phút

  • Ù tai

  • Mất thính lực tạm thời

  • Cảm giác đầy trong tai.

Một số bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thính giác để xác định mức độ mất thính lực do bệnh Meniere gây ra. Để loại trừ các bệnh khác, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) não.


Các phương pháp điều trị bệnh Meniere

Đến nay, bệnh Meniere vẫn chưa có phương thức điều trị tối ưu, nhưng một số phương pháp điều trị dưới đây có thể giúp người bệnh đối phó với tình trạng này:

  • Điều trị bằng thuốc

  • Liệu pháp nhận thức :Trị liệu nhận thức là hình thức trò chuyện giúp người bệnh tập trung vào cách họ diễn giải và phản ứng với những trải nghiệm trong cuộc sống. Một số người thấy rằng liệu pháp nhận thức giúp họ đối phó tốt hơn với sự xảy ra bất ngờ của các cơn chóng mặt và giảm lo lắng về sự tấn công này trong tương lai.

  • Phẫu thuật

  • Thay đổi chế độ ăn uống và hành vi khác: Caffeine, chocolate, rượu và thuốc lá có thể làm cho các triệu chứng của bệnh Meniere trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm này trong chế độ ăn uống.

Tuy nhiên, khi người bệnh muốn thử nghiệm các phương pháp này, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả hoặc độ an toàn của các loại thuốc đang điều trị thông thường.


Phòng ngừa bệnh Meniere

Vì không biết rõ nguyên nhân gây ra bệnh Meniere nên không có cách nào để phòng ngừa. Tuy nhiên, thực hành lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống khoa học, tránh stress và tập thể dục mỗi ngày có thể giúp phòng ngừa bệnh tật nói chung.

Ngoài ra, hạn chế ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu bia, caffeine, chocolate; uống nhiều nước, ưu tiên ngũ cốc có thể góp phần làm giảm các triệu chứng của bệnh.


Một số câu hỏi thường gặp về bệnh Meniere


1. Bệnh Meniere có chữa khỏi được không?

Nguyên nhân gây bệnh Meniere vẫn chưa được biết rõ. Do đó, phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn vẫn chưa được tìm ra. Một số giả thuyết liên quan đến sinh lý bệnh của Meniere bao gồm gen, nhiễm trùng, chấn thương, cơ học, tự miễn, dị ứng và nguyên nhân mạch máu…

Trên cơ sở đó, các phương pháp điều trị hiện nay cũng hướng đến giải quyết các nguyên nhân trên. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết quả đáp ứng vẫn gây ra nhiều bàn cãi. Một số ít bệnh nhân không đáp ứng với điều trị ban đầu, thường xuyên chịu các đợt kịch phát nặng có thể xem xét đến phẫu thuật tiệt căn hệ thống tiền đình ốc tai như biện pháp cứu cánh cuối cùng. Nhưng hệ lụy là mất thính lực hoàn toàn và suy giảm khả năng thăng bằng vĩnh viễn.


2. Bệnh Meniere có nguy hiểm không?

Meniere là bệnh lý của hệ thống tiền đình ốc tai với các triệu chứng chóng mặt, ù tai, nghe kém diễn ra đột ngột và khó lường trước. Chính vì đặc điểm này khiến cho Meniere trở thành một gánh nặng về tâm lý và thể chất của người bệnh. Các cơn chóng mặt kịch phát có thể dẫn đến té ngã gây ra chấn thương thứ phát. Suy giảm chức năng thính giác khiến người bệnh mắc Meniere cũng giảm khả năng giao tiếp xã hội, giảm năng suất làm việc, trở nên mặc cảm và dần cách ly khỏi xã hội. Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ mắc chứng tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, có thể dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh.


3. Tại sao những người bị Meniere bị mất thính lực?

Người ta tin rằng bệnh Meniere phát triển là kết quả của sự gia tăng áp lực trong khoang nội dịch. Các triệu chứng đầy tai và giảm thính lực có thể liên quan đến sự gia tăng áp suất này.

Sự gia tăng đột ngột áp lực gây ra các cơn chóng mặt kịch phát. Các giai đoạn áp suất cao đột ngột và lặp đi lặp lại đó sẽ phá hủy dần dần các cấu trúc vi thể của hệ tiền đình và ống tai. Tổn thương tích lũy này dần dẫn đến suy giảm vĩnh viễn chức năng trong cả hệ thống thính lực và thăng bằng của người bệnh.


33 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page